Thông tin về lương nhà giáo

26/09/2024

Theo Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị, thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng.

Ngày 12/8, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu phát triển, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định.

Nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và nâng cao chất lượng giáo dục cho các vùng khó khăn.

Sau khi Kết luận 91-KL/TW năm 2024, Bộ Chính trị được thông tin rộng rãi, giáo viên cả nước vô cùng vui mừng, mọi người đều đang trong tâm trạng phấn khởi, chia sẻ rầm rộ Kết luận này. Điều này giúp giáo viên vững tin tới đây thu nhập của nhà giáo sẽ được nâng lên, nhà giáo sống được bằng lương.

Từ 01/7/2024, mức lương cơ sở được cấp có thẩm quyền tăng lên 2,34 triệu đồng (tăng 30%), giáo viên còn được hưởng phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên (công tác từ 05 năm trở lên), thu nhập giáo viên cả nước đã được cải thiện một phần. Có giáo viên công tác lâu năm ở vùng có điều kiện bình thường có thu nhập hơn 20 triệu mỗi tháng. Giáo viên công tác vùng khó khăn có người nhận hơn 30 triệu đồng mỗi tháng là mức tăng cũng đáng kể. Tất nhiên, số lượng giáo viên có mức thu nhập này không nhiều. Còn nhiều thầy cô mới vào nghề, thu nhập chỉ từ 5-6 triệu đồng một tháng. Với con số này, nếu ở các thành phố, giáo viên phải chật vật, co kéo mới có thể đủ tiền sinh hoạt để bám trụ với nghề.

Theo thống kê hiện nay, cả nước còn thiếu hơn một trăm ngàn giáo viên ở các cấp học, bậc học, việc tuyển dụng còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chính là thu nhập còn thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống.

Trước đây, khi mức lương cơ sở thấp, có tình trạng giáo viên nghỉ việc hàng loạt ở nhiều địa phương, tuyển dụng khó khăn.

Một thông tin cũng rất quan trọng được Bộ giáo dục và Đào tạo thông tin, năm 2024, sư phạm là 1 trong 4 ngành học có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển tăng cao nhất, lên đến 85% so với năm ngoái (tương đương khoảng 200.000 nguyện vọng). Mùa tuyển sinh năm 2024 ghi nhận hiện tượng học sinh đổ xô đăng ký nguyện vọng vào các ngành sư phạm.

Số lượng thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng cao, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên đồng nghĩa chất lượng đầu vào ngành sư phạm tăng. Thực tế, không ít thủ khoa một số tổ hợp trên cả nước chia sẻ lý do chọn ngành sư phạm vì không mất học phí, được hỗ trợ sinh hoạt phí, có nhiều cơ hội nghề nghiệp, công việc ổn định, cơ hội thăng tiến và quan trọng là hiện nay thu nhập cũng được cải thiện đáng kể, tăng hơn rất nhiều so với trước đây.

Mới nhất, Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị đã có chỉ đạo nội dung “thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tuỳ theo tính chất công việc, theo vùng". Đây tiếp tục là thông tin vô cùng quan trọng thúc đẩy cán bộ quản lý, giáo viên gắn bó với nghề. Có thu nhập tốt, ổn định họ sẽ nỗ lực hơn, hạn chế tình trạng “chân trong, chân ngoài”, giữ chân giáo viên giỏi, tâm huyết nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và quan trọng ngành sư phạm sẽ tiếp tục hút sinh viên sư phạm giỏi, để có thêm nhiều giáo viên giỏi. Từ đó, chất lượng nhà giáo được nâng lên góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, hội nhập quốc tế, dần tiến tới “bảo đảm đủ số lượng giáo viên theo định mức quy định” theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị.

Sáng 25/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Tôn vinh nhà giáo, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, việc xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhà giáo “giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục”;

Đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, thống nhất, toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện mục tiêu trọng tâm, xuyên suốt là xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng.

Xây dựng Luật Nhà giáo cũng nhằm tôn vinh nhà giáo và tạo động lực cho người dạy học, tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục.

Có thể nói, cái tâm và cái tầm của Nhà giáo là sống và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, người thầy vĩ đại của mọi thế hệ. Nhà giáo ít tơ màng đến thu nhập bản thân, không quan tâm đến sự thiệt thòi của bản thân trước các bức phá về kinh tế xã hội. Lấy thành tích học tập của học sinh sinh viên để đo chất lượng cuộc sống bản thân. Nhà giáo không cần nhà thật cao cửa thật rộng như những cung điện nguy nga mà các doanh nhân đang sở hữu. Nhà giáo cần học sinh sinh viên của họ thành công!

BBT

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN