24/04/2025
Tham dự hội thảo lần này có sự hiện diện đầy đủ các thành viên của nhóm nghiên cứu cùng các nhà khoa học uy tín trong nước, gồm có: TS. Lê Văn Hiệu – Trưởng nhóm; PGS.TS Nguyễn Mạnh An – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; PGS.TS Chu Văn Lanh – Trưởng khoa Vật lí, Trường Đại học Vinh; TS. Hoàng Đình Hải – Phó Trưởng khoa Khoa học Tự Nhiên; TS. Nguyễn Thị Thảo – Trưởng bộ môn Vật lí, TS. Nguyễn Thị Huệ, TS. Nguyễn Thị Dung, TS. Lê Xuân Thế Tài, NCS. Trần Hồng Thắm và các bạn sinh viên có quan tâm đến lĩnh vực quang học. Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu tổng kết kết quả nghiên cứu nổi bật của nhóm trong năm vừa qua, trình bày các định hướng mới trong nghiên cứu sợi quang tử, đồng thời tăng cường trao đổi học thuật liên ngành và mở rộng hợp tác với các nhóm nghiên cứu trong nước và ngoài nước.
Toàn cảnh hội thảo nhóm Sợi tinh thể quang tử
Mở đầu hội thảo, TS. Lê Văn Hiệu – Trưởng nhóm Sợi tinh thể Quang tử đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo nhanh một số các kết quả nghiên cứu của nhóm đã đạt được trong thời gian vừa qua. Thông qua nội dung báo cáo, nhóm nghiên cứu đã thể hiện một tinh thần làm việc không ngừng nỗ lực, trách nhiệm, không quản ngại các khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhất các tiến độ và mục tiêu công việc mà nhóm đã đề ra. Kết quả, nhóm nghiên cứu đã đạt được rất nhiều thành tích trong năm qua, điển hình: 01 đề tài Nafosted, 01 đề tài trọng điểm, 08 bài báo ISI, 03 bài báo trong nước, 02 bài hội nghị. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng đã phối hợp với nhóm quang học trường Đại học hướng dẫn thành công cho một nghiên cứu sinh bảo vệ suất xắc.
TS. Lê Văn Hiệu báo cáo nhanh kết quả của nhóm
Tại hội nghị, các thành viên đã tiến hành trình bày và thảo luận các nội dung có liên quan đến một số các vấn đề mới đã và đang được quan tâm không chỉ theo hướng nghiên cứu trong nước mà còn mở rộng theo hướng quốc tế. Các chủ đề được đưa ra thảo luận tại hội thảo đều mang nhiều giá trị không chỉ về sự phát triển của các vật liệu quang mà còn có tính ứng dụng cao trong một số lĩnh vực hoạt động công nghệ kĩ thuật, trong đó việc nâng cao hiệu quả của các đặc tính sợi quang, kiểm soát và phát siêu liên tục, đặc tính phi tuyến cũng như sự phát triển và đẩy mạnh nghiên cứu về cấu trúc sợi quang, sợi quang hai lõi là các nội dung then chốt được các thành viên chú trọng trao đổi tại hội thảo.
Các thành viên trình bày nội dung thảo luận
Nhận định các vấn đề trong nội dung thảo luận, TS. Lê Văn Hiệu đã đưa ra những đánh giá cụ thể về tiềm năng ứng dụng thực tiễn của các cấu trúc sợi quang mới, đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiểm soát các hiệu ứng phi tuyến và phát siêu liên tục. Đồng thời, PGS.TS Chu Văn Lanh cũng đã có những nhận xét và một số nhận định mang tính thực tiễn và thời sự liên quan đến việc làm thế nào để có thể nâng cao hiệu suất về sự kiểm soát sự phát siêu liên tục, kiểm soát được đặc tính phi tuyến từ đó có thể đánh giá được mức độ tiềm năng về hướng nghiên cứu liên quan đến phát triển sợi quang hai lõi.
Trong hội thảo, TS. Hoàng Đình Hải đã nhấn mạnh vai trò của nhóm nghiên cứu trong trường đại học. Thầy nhận định, để xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh cần tập hợp lực lượng trẻ, nhiệt huyết và đề xuất nhóm cần định hình được định hướng phát triển lâu dài. Thầy đề xuất việc mở ra các hướng nghiên cứu mở, quan tâm, hợp tác với các nhóm nghiên cứu có tầm ảnh hưởng đến quốc gia và quốc tế.
TS. Hoàng Đình Hải nhận xét và trao đổi với nhóm nghiên cứu
PGS. TS. Nguyễn Mạnh An đánh giá cao những thành tích của nhóm trong những năm qua, đồng thời thầy đề xuất cần tăng cường công bố quốc tế, mở rộng hướng nghiên cứu, đồng thời tập trung vào các đề tài trọng điểm như Nafosted và đề tài cấp tỉnh để nâng cao chất lượng nghiên cứu. Thầy cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì và nâng cao hiệu quả của phòng thí nghiệm quang tử – nơi không chỉ nghiên cứu mà còn là trung tâm đào tạo thực hành cho sinh viên.