08/04/2023
Hội thảo được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho các giảng viên trong bộ môn và trong khoa trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, ... nhằm nâng cao hiệu quả của việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học đối với các học phần do bộ môn quản lý, từ đó có những điều chỉnh phù hợp trong dạy học và quản lý để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục đại học hiện nay. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 9 báo cáo và tất cả các báo cáo đều được trình bày tại hội thảo.
Các báo cáo đều tập trung vào khảo sát thực trang kiểm tra đánh giá các học phần hiện đang thực hiện Trường Đại học Hồng Đức và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với từng học phần nhằm cải tiến việc đánh giá kết quả học tập của người học. Các báo cáo đều tập trung vào các học phần do bộ môn quản lý, đặc biệt là các học phần trong chương trình đào tạo Đại học sư phạm Toán và Đại học sư phạm Toán chất lượng cao. Các tác giả đã đề cập đến các quan điểm và công cụ đánh giá hiện đại, đó là đánh giá tiếp cận năng lực và sử dụng rubrics trong kiểm tra đánh giá. Điều này cho thấy các giảng viên đã chủ động đổi mới đồng bộ tất cả các khâu của quá trình dạy học.
Các thành viên tham gia hội thảo đã đặt nhiều câu hỏi, thảo luận sôi nổi, đề xuất nhiều biện pháp thiết thực để các giảng viên có thể vận dụng vào thực tiễn dạy học. Hội thảo diễn ra trong ½ ngày và đã đạt được mục tiêu đề ra. Hội thảo cũng là tiền đề tạo điều kiện cho nhiều buổi trao đổi, sinh hoạt chuyên môn của khoa và bộ môn trong thời gian sắp tới.
Phát biểu chỉ đạo, thay mặt cho BCN Khoa, TS Hoàng Đình Hải nhấn mạnh” Việc đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập các học phần ở đại học là thiết thực triển khai nghị quyết 29 của BCH TW Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học.Trên cơ sở thực tiễn, các báo cáo cần tập trung làm rõ tính cấp thiết phải đổi mới, kiểm tra đánh giá, nội dung đổi mới là gì, giải pháp triển khai như thế nào. Sau khi kết thúc hội thảo, Bộ môn cần hội nghị lại để đưa ra đề xuất kiến nghị với nhà trường và các phòng ban chức năng”.
Ảnh 1. TS Hoàng Đình Hải, Phó trưởng khoa phát biểu ý kiến
Chủ trì và cũng là người có báo cáo đầu tiên, TS Phạm Thị Cúc đã trình bày đề tài: “Xây dựng và sử dụng rubrics trong đánh giá kết quả học tập học phần đại số đại cương của sinh viên ngành đại học sư phạm toán trường Đại học Hồng Đức”. Báo cáo nêu rõ: việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên đại học là một khâu tất yếu của quá trình đổi mới giáo dục. Công cụ sử dụng trong đánh giá sinh viên phải có độ giá trị, độ tin cậy và độ phân biệt phù hợp, đảm bảo công bằng cho tất cả sinh viên. Rubrics là một công cụ đánh giá thỏa mãn các yêu cầu này. Rubrics tỏ ra có nhiều tác dụng khi dùng để đánh giá các chuẩn đầu ra ở mức độ cao trong thang bloom, các chuẩn về kỹ năng mềm hay về thái độ của sinh viên. Báo cáo trình bày các bước cơ bản trong quy trình xây dựng và cách sử dụng Rubrics trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học phần Đại số đại cương đối với sinh viên ngành Đại học sư phạm Toán.
Ảnh 2. TS. Phạm Thị Cúc, Trưởng bộ môn chủ trì hội thảo và trình bày báo cáo của mình.
TS Lê Trần Tình, Phó trưởng bộ môn trình bày báo cáo “Một số biện pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập học phần giảng dạy bằng tiếng Anh đối với sinh viên ngành đại học sư phạm toán Trường Đại học Hồng Đức”. Báo cáo đã đánh giá thực trạng trình độ ngoại ngữ sinh viên, bắt đầu vào học đại học thực sự rất yếu. Do phương pháp dạy và học ngoại ngữ của các cấp dưới, chủ yếu là dạy ngữ pháp và không chú ý đầy đủ đến cả bốn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Không tạo ra môi trường có thể thực hiện việc dạy học tốt hơn. Cho đến nay vẫn còn có những giáo viên dạy ngoại ngữ theo kiểu dạy các môn học khác, mà được lí giải là ”truyền đạt kiến thức”. Trong khi đó, để nói, viết, đọc và nghe được bằng ngoại ngữ, sinh viên cần được thực hành. Học sinh cần được học nói, học nghe,... chứ không phải học ”về cách nói, cách nghe,...” ngoại ngữ. Ý thức của học sinh và phụ huynh về học ngoại ngữ ở bậc phổ thông chưa thực sự đầy đủ. Làm cho học sinh coi ngoại ngữ như là một món trang điểm, không liên quan, ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập. Đến khi nào cần thì đi học ở các trung tâm, học tư để đáp ứng nhiệm vụ đó. Liên quan đến công tác kiểm tra đánh giá học phần, TS Lê Trần Tình đã đưa ra 4 biện pháp chung và 6 giải pháp cụ thể. Báo cáo đã xuất hiện một vài tranh luận trái chiều.
Ảnh 3. TS Lê Trần Tình trình bày báo cáo với nhiều ý kiến tranh biện sôi nổi
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi hội thảo:
Đây là một trong những sinh hoạt chuyên môn đang góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nói chung, đào tạo ĐHSP Toán nói riêng.
Tranh và Bài: Tổ Đại số và Hình học