TS Lê Văn Hiệu vinh dự nhận giải thưởng "Sáng tạo KHCN Việt Nam năm 2023"

04/06/2024

Tối 30-5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2023.

TS. Lê Văn Hiệu vinh dự nhận Giải thưởng Sáng Tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2023

Tối 30-5, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Lễ tổng kết và trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2023.

Giải thưởng VIFOTEC là giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ thường niên do Hội Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhằm tôn vinh các nhà khoa học, công nghệ đã có những công trình có giá trị khoa học, kinh tế - xã hội lớn đã và đang được áp dụng có hiệu quả tại Việt Nam.

Năm 2023, trong số 130 công trình tham gia dự thi thuộc 05 lĩnh vực: Công nghệ vật liệu; Công nghệ Thông tin, Điện tử, Viễn thông; Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống; Công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên; Công nghệ nhằm tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới. Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 47 sản phẩm xuất sắc để trao giải, trong đó có 4 giải Nhất, 10 giải Nhì, 16 giải Ba và 17 giải Khuyến khích. Đây là các công trình đang áp dụng trong sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp thay thế nhập khẩu và tạo ra thị trường công nghệ phục vụ đời sống.

Media\2003_khtn.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/h1-20240604093328-e.jpg

TS. Lê Văn Hiệu (người đứng thứ 6, hàng 2, từ phía bên trái qua) nhận giải tại Lễ trao Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam.

TS. Lê Văn Hiệu – Giảng viên Khoa Khoa học Tự nhiên, Trưởng nhóm nghiên cứu Quang tử, Trường Đại học Hồng Đức là tác giả của công trình “Kỹ thuật tán sắc và sự phát siêu liên tục trong sợi tinh thể quang tử được lấp đầy với các chất lỏng có độ phi tuyến cao” thuộc lĩnh vực Công nghệ vật liệu đã vinh dự nhận giải Khuyến khích giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam năm 2023.

Trong công trình này, nhóm tác giả đã đề xuất và sản xuất được 02 cấu trúc sợi tinh thể quang tử được lấp đầy bởi chất lỏng có độ phi tuyến cao với tán sắc phẳng, băng thông rộng, độ kết hợp cao của phổ trong vùng tử ngoại với các xung cực ngắn nano giây và pico giây. Các kết quả này mang lại nhiều khả năng ứng dụng, hiệu quả cao về kỹ thuật, kinh tế và xã hội, cụ thể:

Hiệu quả về kỹ thuật: Việc đề xuất được các cấu trúc tối ưu với các đặc tính ưu việt như tán sắc cực phẳng, băng thông rộng và độ kết hợp cao của phổ góp phần hoàn thiện kỹ thuật sử dụng các sợi tinh thể quang tử được bơm đầy bởi các chất lỏng có độ phi tuyến cao trong việc tạo ra các nguồn sáng siêu liên tục. Đây là một kỹ thuật có thể khắc phục được những nhược điểm, hạn chế mà các kỹ thuật khác như sử dụng các sợi thủy tinh silica, hoặc các thủy tinh mềm gặp phải. Nhờ độ phi tuyến cao và độ trong suốt lớn của một số loại chất lỏng, các sợi tinh thể quang tử được bơm bởi các chất lỏng này có thể tạo ra vùng phổ rộng hơn, xung đầu ra ổn định hơn với cùng cường độ bơm khi so sánh với các sợi tinh thể quang tử được chế tạo bởi các phương pháp khác.

Hiệu quả kinh tế: Các đặc tính phi tuyến cao của chất lỏng cho phép làm giảm đáng kể yêu cầu về cường độ, điều này dẫn tới các laser bơm có thể nhỏ gọn hơn và giá thành rẻ hơn. Ngoài ra, những giải pháp đề xuất trong công trình này có thể dẫn đến các hệ thống truyền toàn quang học sợi mới, đơn giản hơn với chi phí thấp.

Hiệu quả xã hội: Kỹ thuật sử dụng các sợi tinh thể quang tử được bơm bởi các chất lỏng có độ phi tuyến cao với chi phí thấp không chỉ có hiệu quả về kinh tế, mà còn mang lại nhiều hiệu quả xã hội, giúp cải thiện chất lượng các thiết bị, máy móc sử dụng trong y tế, từ đó chẩn đoán chính xác hơn và góp phần nâng cao sức khỏe người dân.

Một số hình ảnh khi thực hiện công trình:

Media\2003_khtn.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/h2-20240604093406-e.jpg

Hình ảnh chủ nhiệm đề tài TS. Lê Văn Hiệu thực hiện phép đo đặc tính tán sắc tại phòng thí nghiệm Quang tử, Trường ĐH Hồng Đức.

Media\2003_khtn.hdu.edu.vn\FolderFunc\202406\Images/h3-20240604093436-e.jpg

Hình ảnh sản xuất sợi tinh thể quang tử của công trình nghiên cứu được thực hiện tại viện chế tạo sợi quang ITEM, Ba lan.

 

Tin nổi bật

Tuyển sinh

TIN LIÊN QUAN